Bạn có thể kể được bao nhiêu cách để chỉ đại từ nhân xưng tiếng Nhật ngôi thứ nhất nhỉ? Cùng Kosei tìm hiểu nhé! Tiếng Việt của chúng ta là một ngôn ngữ rất đa dạng trong cách xưng hô. Đều để nói về ngôi thứ nhất, nhưng “tôi” hay “tao” lại thể hiện những sắc thái rất khác nhau về thái độ cũng như thứ bậc xã hội của người nói.
1. Những cách nói phổ biến nhất
一人称代名詞 (いちにんしょうだいめいし) hay Đại từ nhân tiếng Nhật xưng ngôi thứ nhất được cho là đa dạng hơn bất kì ngôn ngữ nào trên thế giới. Mỗi cách nói hàm chứa trong đó không chỉ thái độ hay cấp bậc của người nói, mà bên cạnh đó còn thể hiện giới tính, độ tuổi, đặc điểm vùng miền và những biến thể của ngữ âm.
a. 私 (わたし)
私 có thể được coi là đại từ phổ biến nhất trong tiếng Nhật, thậm chí nổi tiếng với cả những người không biết chút gì về tiếng Nhật.
Phù hợp với cả ngữ cảnh thông thường lẫn trang trọng, bên cạnh đó là không khó để phát âm nên 私 có giá trị sử dụng cao.
Tuy nhiên, tính phổ biến của từ này cũng khiến nó trở nên kém sắc bén, vì trên thực tế, わたし là một từ hơi cứng nhắc trong các ngữ cảnh thông thường, trong khi nó cũng không thực sự nghiêm trang cho các tình huống cần đến sự trang trọng, nó dường như chỉ nằm ở giữa các sắc thái đó.
Trong các ngữ cảnh lịch sự như cuộc gặp vì công việc hay trao đổi thư từ, thì わたし được cả nam giới lẫn nữ giới sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, trong các ngữ cảnh đời thường, thì hiếm khi nam giới tự xưng là わたしtrong khi nữ giới thì thường xuyên sử dụng từ này. Nếu nam giới có sử dụng từ này thì dường như họ đang cố thể hiện sự nữ tính trong lời nói hoặc đang lịch sử quá mức.
b. 私 (わたくし)
Được biết đến như “cách đọc khác” của わたし nhưng trên thực tế đây mới là cách đọc gốc của hán tự 私, tuy nhiên ngày nay thì từ này chỉ thường được sử dụng trong các ngữ cảnh rất trang trọng.
So với わたし thì đây là わたくし là cách nói phù hợp trong các trường hợp như khi bạn là người chủ trì một cuộc hội thảo của doanh nghiệp hoặc là một chính trị gia đầy nhiệt huyết và tham vọng đang dõng dạc tuyên bố những hứa hẹn về những việc bạn sẽ làm sau khi đắc cử. Các ngôi sao nổi tiếng khi thông báo về chuyện kết hôn hay xin lỗi vì các scandal cũng thường dùng từ này.
c. あたし
あたし cũng là một biến thể khác của わたし, vốn chỉ hoàn toàn được sử dụng trong ngôn ngữ nói và trong các ngữ cảnh thông thường. Nó bắt nguồn từ việc các em bé mới tập nói thường gặp khó khăn trong việc phát âm âm “w” chính vì vậy là “watashi” đã được đọc thành “atashi”, và cách đọc này cũng vì thế mà mang sắc thái nũng nịu, đáng yêu của trẻ nhỏ.
Ngày nay thì nữ giới cũng hay dùng từ này, thậm chí nó còn được dùng để viết trong các sản phẩm văn hóa đại chúng và trên các phương tiện truyền thông.
d. 僕 (ぼく)
僕 thì thường được sử dụng bởi nam giới từ trẻ tới già, nhưng ngày nay thì cả các cô gái cũng có thể tự xưng là ぼく do ảnh hưởng từ văn hóa manga-anime.
Có nghĩa gốc là “nô bộc”, 僕 vốn được sử dụng để thể hiện sự khiêm nhường của người nói. Nhưng nhiều học giả cho rằng vào thời Minh Trị, từ này đã mang hàm ý về sự nghiêm chỉnh, lịch sự và có văn hóa của một nam nhân.
僕 (ぼく) cũng có thể được sử dụng trong các ngữ cảnh tương đối trang trọng, nó hàm ý sự khiêm nhường và lịch sự, thường là khi bạn đang đối thoại với một người ngang hoặc ít tuổi hơn.
Từ này như một “chiếc mặt nạ trai ngoan” khi bạn cần nói chuyện với cấp trên hoặc với thầy cô giáo ở trường học. Các cậu thiếu niên tự xưng là ぼく trong các bộ phim hoặc chương trình truyền hình cũng dễ bị gán cho là hình tượng bám váy mẹ.
Nhìn chung, 僕 là một từ không quá trang trọng, nhưng vẫn có thể sử dụng trong các ngữ cảnh cần đến thái độ lịch sự, nghiêm túc, phù hợp dùng khi nói chuyện với những người trong cùng hội nhóm, giáo viên, tiền bối hoặc cấp trên cũng được, sẽ giúp người nghe cảm thấy không quá xa cách với bạn đấy.
e. 俺 (おれ)
俺 cũng là một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất rất thông dụng dành cho nam giới. 俺 mang theo nhiều sự nam tính hơn nhưng cũng tạo cảm giác thô bạo hơn so với 僕.
Hầu hết các nam thiếu niên Nhật Bản trong những năm tháng trưởng thành sẽ chuyển cách tự xưng từ 僕 thành 俺, chủ yếu là vào khoảng thời gian học tiểu học, hoặc thậm chí còn sớm hơn. Và họ tiếp tục sử dụng từ này mãi về sau, đặc biệt là khi nói chuyện với những người gần gũi, thân quen.
Đôi khi bạn vẫn có thể bắt gặp ai đó dùng 俺 trong các câu kính ngữ, nhưng người người cao tuổi hoặc những người có địa vị cao trong xã hội cho rằng cách dùng đó là hoàn toàn không phù hợp, đặc biệt là trong các tình huống tranh trọng, mà thay vào đó nên sử dụng 私 hoặc 僕.
Hầu hết nam giới Nhật Bản đều thường dùng 俺, nhưng nếu bạn còn khá trẻ, hoặc phải tiếp chuyện một người lớn tuổi hơn, từ này sẽ dễ tạo cảm giác xấc xược và ngạo mạn, nên chú ý nhé!
f. うち
Trong khoảng 30 năm gần đây, cách xưng hô đời thường ngôi thứ nhất có nguồn gốc từ vùng Kansai này đã ngày càng trở nên phổ biến nhờ vào các văn hóa anime, gal cũng như hài kịch vùng miền.
うち thường được sử dụng bởi nữ giới, chủ yếu trong các ngữ cảnh đời thường, nó tạo cảm giác thân thiết, gần gũi hơn わたし. Đặc biệt, nó cũng có phiên bản số nhiều うちら (chúng ta, chúng tôi) ngắn gọn và dễ nói hơn so với わたし達.
Tuy nhiên, nhiều người Nhật cũng có ấn tượng không tốt về cách tự xưng này bởi họ cho rằng đây là tiếng lóng của một địa phương, và nó không nên được sử dụng ở nơi nào khác ngoài quê hương của nó. Nhưng kết cục thì nó vẫn trở nên phổ biến đối với nữ giới, tạo cảm giác dễ mến và đoàn kết trong một nhóm bạn bè.
Tham khảo thêm các bài viết khác cùng Trung tâm tiếng Nhật Kosei tại đây!
>>> CHI TIẾT cách dùng đại từ nhân xưng tiếng Nhật CHUẨN NHẤT
g. 自分 (じぶん)
自分 là một từ tiếng Nhật rất linh hoạt, khi nó có nghĩa gốc là “bản thân” nhưng không chỉ là “bản thân tôi”, “ bản thân bạn”, nó có thể là “bản thân” của bất kì đối tượng nào.
じぶん cũng thường được sử dụng trong các tập thể có sự phân cấp bậc, ví dụ như một đội cầu thủ hoặc đơn vị quân đội, khi một cá nhân nói chuyện với cấp trên của anh/cô ấy.
Ngoài ra, từ này cũng gây ra ấn tượng về một người nói có học thức, sự khiêm nhường và thái độ tôn trọng khi nói chuyện với những người có địa vị cao hơn mình.
2. Tên riêng hoặc biệt danh
Cách sử dụng [Tên riêng + ちゃん/君] như một đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất là rất phổ biến ở trẻ em Nhật Bản, nguyên nhân là khi các bé nghe thấy bố mẹ hay những người lớn khác gọi mình như thế, và cũng bắt chước để tự gọi bản thân.
Cậu bé Kun trong bộ phim điện ảnh hoạt hình "Mirai no Mirai" cũng tự gọi bản thân là Kun-chan...
Nhưng không chỉ trẻ em, nhiều cô gái trẻ cũng vẫn giữ thói quen này thậm chí khi họ đã trưởng thành, đặc biệt là khi xưng hô trong gia đình. Bên cạnh đó, việc nhiều người sử dụng cách nói này ngay cả trong các ngữ cảnh bên ngoài ngôi nhà của họ là một đề tài gây tranh cãi trong xã hội.
Có những ý kiến lên án kịch liệt sự ấu trĩ và thể hiện thái quá của các cô gái trẻ cứ tự réo tên mình lên mọi lúc mọi nơi trong khi “cố tỏ ra bản thân dễ thương và nổi tiếng trong mắt nam giới (ぶりっ子).
...cho tới cô nhóc tinh nghịch này cũng hay tự xưng là Asari-chan để thể hiện sự "dễ thương"
Nhưng có một ngoại lệ, đó là ở Okinawa, Nhật Bản thì hầu hết phụ nữ đều tự xưng bằng tên riêng như một đặc trưng về ngôn ngữ địa phương.
3. Vai vế, địa vị trong gia đình hoặc xã hội
Giả sử bạn là đứa con út trong một gia đình Nhật Bản bình thường, mẹ bạn tự xưng là お母さん (Mom), người bố dùng お父さん, cô chị gái xưng là お姉ちゃん, và cả bà nội và bà ngoại dùng おばあちゃん khi nói chuyện với bạn.
Đây là một cách xưng hô rất hạn chế, bạn chỉ có thể tự xưng theo đúng vai vế của mình với một số ít đối tượng nhất định nào đó trong phạm vi gia đình, bên cạnh đó thì chỉ người có địa vị cao hơn được dùng cách nói này, còn người có địa vị thấp hơn thì không thể.
Tuy nhiên, hệ thống tự xưng hô này rất phổ biến trong các gia đình Nhật Bản, dựa trên tinh thần đề cao vai vế trong gia đình cũng như sự kính trọng đối với những người lớn tuổi hơn. Bố mẹ muốn con cái có thể phân biệt rõ ràng bậc sinh thành của chúng với những người lớn khác nên việc họ tự xưng là お母さん hay お父さん như một lời nhắc nhở mỗi ngày.
Nếu bạn cảm thấy cách xưng hô này có vẻ nặng nề, giáo điều, thì thực chất, người Nhật ngày nay sử dụng chúng để thể hiện trên hết là tình yêu thương, sự trìu mến đối với các thành viên nhỏ tuổi hơn trong gia đình.
Cũng có trường hợp khi mà mọi người dùng cách xưng hô bằng vai vế trong gia đình khi nói với người ngoài, chủ yếu là với các đối tượng trẻ em, hoặc những người nhỏ tuổi hơn có mối quan hệ gần tương tự như người trong gia đình.
Ví dụ như khi bạn gặp một em bé trên đường, hoặc khi nói chuyện với bạn của con cái mình thì cũng có thể tự xưng làおばちゃん, おじちゃん, お姉ちゃん, hoặc お兄ちゃん, điểm này khá tương đồng với tiếng Việt mình đúng không nào.
4. Nghề nghiệp
Nhiều người được coi là chuyên nghiệp trong một số ngành nghề cũng thường dùng tên của ngành nghề đó để tự xưng, điển hình nhất là các “先生” – với ý nghĩa là thầy giáo, cô giáo.
5. Số nhiều
a. 〜達
Cách sử dụng hậu tố chỉ số nhiều 達 (たち) như sau: 私 (tôi) + 達 = 私達 (chúng tôi)
Trước kia, 〜達 từng chỉ được sử dụng để bày tỏ sự kính trọng của người nói với đối phương, và từ 私達 không được cho là phù hợp trong các tình huống trang trọng. Ngày nay, 私達(わたしたち), 僕達(ぼくたち) và 自分達(じぶんたち)đều được sử dụng thường xuyên trong các ngữ cảnh trang trọng, mặc dù私供 vẫn được coi như phù hợp hơn.
Hầu hết các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất kể trên đều có thể đi với 達, ngoại trừ うち達, nghe kì cục đúng không!
b. 〜等
Một hậu tố số nhiều khác là 等 (ら), kanji này có âm on đọc là など, mang ý nghĩa "vân vân", từ này thường được sử dụng chủ yếu bởi nam giới và người dân vùng Kansai.
Một số từ điển cho rằng 〜 thể hiện sự khiêm nhường nhiều hơn 〜達, trên thực tế, cảm giác về sắc thái của hậu tố này có thể thay đổi tùy theo đại từ đi cùng với nó. Hơn là hạ thấp đi theo hướng khiêm nhường, 等dường như càng làm rõ ràng thêm sắc thái mà các từ đứng trước nó thể hiện. Chính vì vậy, nếu không cẩn thận, 等 có thể trở nên rất thô lỗ.
Ví dụ, nếu so sánh 僕達 và 僕等, thì 僕等tạo cảm giác đời thường hơn nhưng vẫn bao hàm một thái độ lịch sự và khiêm nhường.
Nhưng trong trường hợp của 俺達và 俺等, ở đây hậu tố ra nhấn mạnh sắc thái thô lỗ và ngạo mạn mà 俺vốn đã đem lại.
c. 〜供
Như ở trên cung đã nhắc tới 私供 (わたしども, わたくしども). 供 cũng có thể đi kèm với các đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất khác, nhưng私供 là phù hợp nhất và cũng là phổ biến nhất.
Trong một hội thoại cần đến sự trang trọng, 〜供 sẽ tốt hơn rất nhiều so với 達 hay ら.
6. Một số đại từ không phổ biến
Các đại từ được giới thiệu sau đây không thường xuyên được sử dụng, nhưng người Nhật vẫn có thể biết đến, hiểu được và ứng dụng chúng trong những trường hợp cụ thể. Các từ này có thể xuất hiện đâu đó trong sách báo, phim ảnh cũng như các phương tiện truyền thông khác. Đôi khi thì việc thêm thắt vài từ “độc” này vào các câu chuyện cũng có thể tạo ra sự hài hước đó ^^
a. 私め
Khi bạn muốn thể hiện một cách kịch liệt sự khiêm tốn của bản thân đồng thời là thái độ kính trọng người đối diện, hãy dùng 私め (わたしめ, わたくしめ).
Hán tự của hậu tố め là chữ Nô - 奴, có nghĩa là “nô lệ, nô bộc, người hầu”. Nếu trong bối cảnh phong kiến, thì私め có thể dịch như là “nô tài…”, còn thời nay, nếu có ai sử dụng cách xưng hô này thì chắc hẳn anh ta đang muốn mỉa mai ai đó thôi!
b. あたい
Nếu bạn còn nhớ, あたし có nguồn gốc từ わたし vì ai đó gặp khó khăn trong việc phát âm âm "w". Hiện tượng này cũng tương tự vớiあたし, khiến cho nó có một biến thể là あたい. Vốn dĩ từ này thường được sử dụng bởi các geisha, あたい hàm chứa sự nữ tính.
Nhưng không hiểu sao vào thời Showa, nhiều cô gái theo phong cách nổi loạn, thường ra đường trên chiếc xe xe ô tô to sụ cũng bắt đầu dùng từ này, thành ra あたい từ đó lại được gắn với hình ảnh của những cô nàng ăn chơi. Ngày nay, cách tự xưng あたい không còn phổ biến nữa, nhưng nếu muốn nói điều gì hài hước, hoặc khi giữa bạn bè thân thiết đùa giỡn nhau theo kiểu suồng sã, thô bạo một chút thì cũng rất thú vị nếu bạn muốn dùng từ này đó.
c. おら/おいら
Giống như おれ, cả hai đại từ おら và おいら đều chủ yếu được dùng bởi nam giới và có sự gắn kết chặt chẽ với văn hóa ngôn ngữ vùng Tohoku. Người trẻ thì hiếm khi, nhưng những người từ độ tuổi trung niên vẫn có thể thường dùng các từ này.
Những năm gần đây, おら hay おいら vì sự gợi nhắc sâu sắc đến các nhân vật bé trai nổi tiếng như Shin cậu bé bút chì, hoặc Goku trong Dragon Ball (Bảy viên ngọc rồng) mà chúng tạo ấn tượng hơi ngốc nghếch và trẻ con.
d. 吾輩/我輩
Có thể bạn sẽ nhận ra 吾輩 (わがはい) khi đại từ này đã được nhà văn nổi tiếng Soseki Natsume sử dụng trong chính tiêu đề của tác phẩm 吾輩は猫である (Tôi là con mèo), lẽ đương nhiền là chính chú mèo trong tác phẩm đã tự xưng 吾輩.
Đây là một cách nói khá xưa, thể hiện sự ngạo mạn và chỉ thường dùng bởi nam giới. Ngày nay hiếm có ai còn tự xưng như thế nữa.
e. 俺様
Đây chính là đỉnh cao của sự ngạo mạn. Hậu tố 様 (さま) rất hiếm khi nên dùng cho chính bản thân người nói, và俺 (おれ) hàm chứa sự ngỗ ngược, thô lỗ và kiêu ngạo. Sự kết hợp của hai từ này là một cách để thể hiện mạnh mẽ sự tự đề cao bản thân và hạ thấp người khác.
俺様 cũng có thể được sử dụng như một tính từ để miêu tả những người có tính cách ngạo mạn, ngỗ ngược và xấc xược. Ngoài ra, trong nhiều truyện tranh thiếu nữ, các nhân vật nam có cá tính mạnh, hơi ngỗ nghịch và thích kiểm soát thì cũng hay dùng俺様 đó.
f. 僕ちゃん/僕ちん
僕ちゃん (ぼくちゃん). 〜ちゃん thường được dùng bởi các em nhỏ cả nam lẫn nữ, và 〜ちん thường được dùng trong biệt danh. Cả 僕ちゃん lẫn 僕ちん đều nghe có vẻ giống giọng điệu trẻ thơ, và thực sự là hiếm khi nghe thấy người lớn tự gọi mình bằng các từ này.
g. 俺っち
Đuôi 〜っち gần đây trở nên phổ biến trong biệt danh của mà mọi người tự đặt hay đặt cho người khác, nó tạo cảm giác gần gũi, thân thiết, đồng thời thì âm thanh tạo ra cũng không kém phần vui tai. Nếu là fan của tựa game Yokai Watch, thì bạn sẽ cảm thấy 俺っち là rất quen thuộc vì nhân vật Jibanyan thường xuyên tự xưng theo cách này. Nhưng ngoài thực tế thì hiếm ai dùng lắm ^^
h. わし
Trong các câu chuyện cổ tích xa xưa, わし là cách mà các tu sĩ ẩn dật hay các nhà hiền triết già dùng để chỉ chính bản thân. Ngày nay thỉnh thoảng người già vẫn tự xưng bằng わし, nhưng ở vùng Kanto thì rất hiếm thấy. Ngoài ra, ở một số địa phương như Hiroshima, người ở độ tuổi nào cũng có thể dùng わし.
i. 余
Thiên hoàng, các vị samurai đức cao vọng trọng hay các nhà trí thức từng có thời dùng 余 (よ) như đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất. Ngày nay, bạn vẫn có thể bắt gặp cách dùng này trong các văn bản trang trọng hoặc các chiến dịch chạy đua chính.
k. 拙者
Nếu bạn từng muốn nhập vai vào một samurai Nhật Bản, đại từ 拙者 (せっしゃ) có thể giúp mơ ước của bạn thành sự thật. Hán tự Chuyết - 拙, mang ý nghĩa là "ngu dốt” và được dùng để gia tăng yếu tốt khiêm nhường cho người nói.
Nhưng cách xưng hô này đã thay đổi dần theo thời gian, giờ thì nó có thể hàm ý một thái độ ngạo mạn khi dùng để nói với người có địa vị thấp hơn
l. わらわ
Hán tự của đại từ này là chữ 妾 – Thiếp, nghe đến đây chắc bạn thấy quen rồi đúng không? Ngày nay thì chỉ còn thấy cách xưng hô này xuất hiện trong các câu chuyện, hay phim ảnh mà các công chúa, công nương, hoặc cô tiểu thư gia thế dùng để thể hiện sự nữ tính, cũng như để tỏ ra khiêm nhường trước người đàn ông có địa vị cao hơn mình.
7. Một số cách xưng hô ngôi thứ 1 và thứ 2 trong tiếng Nhật
私=わたし=watashi: “Tôi” (ngôi thứ 1) – dùng trong hoàn cảnh thông thường hoặc lịch sự, trang trọng.
Số nhiều là 私たち – わたしたち、watashi-tachi.
あなた=anata: Anh, chị, em, bạn (ngôi thứ 2): Đây là cách gọi lịch sự người mà mình không thân thiết lắm hoặc là cách gọi thân mật của vợ với chồng.
君=きみ=kimi: “Em”. Đây là cách gọi thân mật với người nghe ít tuổi hơn. Như bạn trai gọi bạn gái.
私=わたくし=watakushi: “Tôi”, là cách gọi lịch sự hơn của わたし, dùng trong các buổi lễ hay không khí trang trọng. Đây là cách xưng hô khiêm tốn nhất cho nhân xưng thứ nhất.
僕=ぼく=boku: “Tôi”, dùng cho nam giới trong các tình huống thân mật. Đây là dạng thân mật nhưng không hề suồng sã.
あたし=atashi: là cách xưng “Tôi” mà phụ nữ hay dùng.
俺=おれ=ore: “Tao”: dùng trong trường hợp thân mật bạn bè hay với người thân thiết ít tuổi hơn. Đây là cách mà những người hay đấm đá ngoài đường hay xã hội đen thường xuyên nói, là cách nói không lịch sự.
お前=おまえ=omae: “Mày”: là cách nói không lịch sự, dùng với bạn bè thân thiết.
Trên đây là một vài cách xưng hô ngôi thứ 1 và thứ 2 trong tiếng Nhật. Còn những danh từ nhân xưng khác, các bạn hãy cùng Kosei tìm hiểu ở những phần tiếp theo nhé. Cảm ơn các bạn đã cùng Kosei với những điều thú vị với đất nước hoa anh đào này.
8. Nhân xưng ngôi thứ 3 và cách xưng hô với ngôi thứ 2
彼=かれ=kare: Anh ấy, anh ta. Ngoài ra còn có nghĩa là “bạn trai” hay thân mật hơn là 彼氏 (kareshi). Ví dụ: 私の彼: Bạn trai tôi.
彼女=かのじょ=kanojo: Cô ấy. Giống 彼 nhưng dùng cho nữ. Ví dụ: ぼくの彼女:Bạn gái của tôi.
~さん=~san: Anh, chị, ông, bà… Đây là cách dùng thông thường với người lớn tuổi hơn, hay với người mà bạn không thân thiết lắm. Các bạn có thể dùng cách này để gọi người nghe hay gọi người nào đó với người nghe. Ví dụ: 小林さん: Anh Kobayashi.
~氏 = ~shi: Đây là dạng cứng hơn (lịch sự trang trọng hơn) của “~san”, thường dùng trong văn bản.
~君=~くん=~kun: “Bạn”, “em” dùng để gọi bạn bè hay người nam dưới tuổi bạn. Các bạn nữ có thể gọi các bạn nam cùng lớp hay cùng nhóm.
~ちゃん=~chan: Giống như “~kun” nhưng gọi cho nữ. Có thể dịch là “em”, hay “bé”.
~様=~さま=~sama: Cách gọi lịch sự “ông”, “bà”, “ngài”, “quý bà”. Cách gọi này lịch sự hơn “~san”.
9. Cách gọi người thứ 3 không có mặt
人=ひと=hito: Cách gọi thông thường, Ví dụ: その人:Người đó.
方=かた=kata: Cách gọi lịch sự. “Ngài ấy”, “bà ấy”, “quý cô đó”. Ví dụ: その方:Quý bà đó.
あいつ=aitsu: “Thằng đó”, “hắn”: Chỉ người thứ 3. Đây là cách gọi khinh miệt.
Số nhiều: あいつら (aitsura) bọn nó.
こいつ=koitsu: “Thằng này”: Gọi người nghe một cách khinh miệt.
Trên đây cách dùng đại từ nhân xưng tiếng Nhật mà Kosei biên soạn. Hi vọng, bài viết đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích đến cho các bạn đọc!
Cùng Trung tâm tiếng Nhật Kosei xem thêm các bài từ vựng bổ ích khác nhé:
>>> Học từ vựng tiếng Nhật qua phim ngắn: Nếu băng tan hết thì Trái Đất sẽ thế nào?
Nhận xét
Đăng nhận xét